Nhãn hiệu tập thể bánh khọt Vũng Tàu: Khẳng định những giá trị riêng biệt https://72agency.vn/
Chỉ đường
Gọi trực tiếp
Chat Facebook
Chat trên Zalo

Nhãn hiệu tập thể bánh khọt Vũng Tàu: Khẳng định những giá trị riêng biệt

Bánh khọt Vũng Tàu vừa được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) trao bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Sự kiện này không chỉ giúp các hộ kinh doanh ý thức hơn trong việc xây dựng, gìn giữ thương hiệu bánh khọt Vũng Tàu, mà còn là bước đệm quan trọng để đưa ẩm thực Vũng Tàu vươn ra thị trường trong nước và quốc tế.

Bánh khọt là món ăn quen thuộc, có mặt khắp nơi suốt dải đất từ Phú Yên, Khánh Hòa vào đến tận các tỉnh miền Tây… Tuy nhiên, chỉ tại TP. Vũng Tàu, bánh khọt mới thực sự trở nên nổi tiếng. Đã nhiều năm qua, người dân địa phương và cả du khách đã quen với cách thưởng thức bánh khọt Vũng Tàu ở những quán ăn nhỏ trên phố. Những tên quán như: bánh khọt Gốc Vú Sữa, bánh khọt Cây Đa, Cây Xoài, bánh khọt cô Hai, bánh khọt 41… cũng dân giã như chính món ăn và cách thưởng thức của nó vậy. Khoảng 6-7 năm trở lại đây, bánh khọt còn được các nhà hàng, khách sạn đưa vào phục vụ như một nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của Vũng Tàu.

Nhãn hiệu tập thể bánh khọt Vũng Tàu: Khẳng định những giá trị riêng biệt
Nhãn hiệu tập thể bánh khọt Vũng Tàu: Khẳng định những giá trị riêng biệt

Bà Phạm Thị Kiều, chủ quán bánh khọt Miền Đông (59 Bà Triệu, phường 4, TP. Vũng Tàu) cho biết, nguyên liệu để làm bánh khọt khá đơn giản, dễ kiếm như: bột gạo, trứng gà, nước cốt dừa, bột nghệ, hành lá, đậu xanh và tôm. Nhưng để có được những chiếc bánh khọt giòn, ngon và ngọt thì phải có bí quyết riêng, từ khâu chọn gạo, ủ bột, chọn tôm đến tỷ lệ muối, tiêu, trứng gà và cả cách pha nước mắm, cách chọn rau ăn kèm. Bánh khi ăn có màu vàng tươi, giòn rụm, thơm mùi gạo, vị ngọt của tôm…

Với đặc trưng riêng, bánh khọt Vũng Tàu không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn đạt được nhiều danh hiệu do tổ chức nước ngoài bình chọn, như: Là 1 trong 12 món ăn của Việt Nam đặc sắc nhất châu Á năm 2011; là 1 trong 10 món ăn ngon Việt Nam công nhận và xác lập kỷ lục năm 2012; Top các món ngon nhất thế giới được bình chọn tại Lễ hội ẩm thực đường phố Quốc tế diễn ra ở Singapore năm 2013…

Luật sư Vũng Tàu Dương Thành Long, Giám đốc Công ty tư vấn luật kinh doanh và sở hữu trí tuệ Aliat Legal (TP. Hồ Chí Minh), đồng chủ nhiệm đề tài “Xác lập quyền, quản lý và khai thác nhãn hiệu tập thể Bánh khọt Vũng Tàu của tỉnh BR-VT” cho biết, kết quả bình chọn trên đã khẳng định thương hiệu bánh khọt Vũng Tàu hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, thời gian gần đây sự xuất hiện tràn lan của các loại nhãn hiệu tương tự đã làm ảnh hưởng tới uy tín cũng như doanh thu của các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh sản phẩm bánh khọt Vũng Tàu. Việc xác lập quyền đối với nhãn hiệu tập thể “bánh khọt Vũng Tàu” giúp tăng giá trị cho sản phẩm, là cơ sở chỉ ra sự khác biệt giữa sản phẩm bánh khọt Vũng Tàu với sản phẩm của các địa phương khác. Theo đó, 12 quán bánh khọt tham gia HTX Bánh khọt Vũng Tàu phải thực hiện đúng quy trình bảo đảm VSATTP và được sử dụng nhãn hiệu tập thể để sản xuất, kinh doanh. Nhãn hiệu tập thể được in ấn trên các bao bì sản phẩm và sử dụng trên các giấy tờ giao dịch, phương tiện quảng cáo, quảng bá sản phẩm.

Bà Đinh Thị Nga, Chủ nhiệm HTX Bánh khọt Vũng Tàu cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh BR-VT đã có rất nhiều quán bánh khọt nổi tiếng… Việc xây dựng nhãn hiệu tập thể sẽ hỗ trợ cho các đơn vị kinh doanh riêng lẻ liên kết, hợp tác nhằm quảng bá, phát triển sản phẩm, thu hút sự tham gia của các đơn vị sản xuất, chế biến và kinh doanh sản phẩm tại các tỉnh – thành khác tham gia. Từ đó, sản phẩm bánh khọt Vũng Tàu sẽ có cơ hội vươn xa ra khỏi địa bàn tỉnh BR-VT và được bảo hộ thương hiệu cả ở những địa phương khác, thậm chí cả các quốc gia khác.

12 thành viên là chủ các quán bánh khọt trên địa bàn TP. Vũng Tàu được phép sử dụng nhãn hiệu tập thể “Bánh khọt Vũng Tàu” gồm: Phạm Thị Hiền (56 Lê Lợi, phường 4); Đoàn Thị Loan (67 Bà Triệu, phường 4); Dư Thị Xuân Nga và Nguyễn Thị Xuân Dung (19 Hoàng Hoa Thám, phường 3); Lưu Thị Thanh Trâm (19/5/24 Hoàng Văn Thụ, phường 7); Phạm Thị Kiều (59 Bà Triệu, phường 4); Nguyễn Thị Hòa (14 Nguyễn Trường Tộ, phường 2); Nguyễn Thị Minh Diện (164/3 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường Thắng Tam); Phạm Ngọc Hưng (14 Hoàng Hoa Thám, phường 3); Trần Thị Thu Thủy (48/37 Nguyễn Trường Tộ, phường 2); Phạm Đức Dục (201/2 Lê Lợi, phường Thắng Nhì); Trần Thị Hương (B1102 chung cư Lakeside khu đô thị Chí Linh, phường Nguyễn An Ninh).
Nhãn hiệu tập thể là các dấu hiệu phân biệt nguồn gốc địa lý, nguyên vật liệu, mô hình sản xuất hoặc các đặc tính chung khác của hàng hóa, dịch vụ của các DN là thành viên hoặc các chủ thể khác cùng nhau sử dụng nhãn hiệu tập thể. Chủ sở hữu nhãn hiệu và quản lý nhãn hiệu tập thể có thể hiệp hội, một tổ chức công hoặc HTX. Chức năng chính của nhãn hiệu tập thể là chỉ dẫn cho công chúng về những đặc tính cụ thể nhất định của sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể. Ngoài ra, nhãn hiệu tập thể thường được sử dụng để khuếch trương các sản phẩm mang đặc tính của một vùng nhất định.

 

Nguồn: baobariavungatu.com.vn

5/5 - (6 bình chọn)